Sự tích Tết trung thu là những câu chuyện đầy thú vị về chị Hằng, chú Cuội, thỏ ngọc, đèn ông sao… được rất nhiều trẻ em háo hức lắng nghe. Cho đến ngày nay dân gian vẫn lưu truyền nhiều sự tích, nguồn gốc và ý nghĩa liên quan tới dịp đặc biệt này. Tết trung thu là một trong những nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam, trở thành ngày tết sum vầy với mọi gia đình. Tết thường diễn ra vào rằm tháng 8 đang giữa độ mùa thu tiết trời mát mẻ và đẹp nhất trong năm. Ngày tết này còn được gọi với cái tên thú vị là Tết trông trăng được nhiều trẻ em mong đợi vì dịp này thường được người lớn tặng quà, tổ chức cắm trại hay phá cỗ với nhiều hoạt động khác. 1. Sự tích tết trung thu Tết Trung Thu thường diễn ra theo âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Tục vui Tết Trung-Thu đã có từ thời Đường Minh Hoàng bên Trung-Hoa, vào đầu thế kỷ thứ tám (713-755). Về sau được lan rộng ra các nước láng giềng và thuộc địa của Trung Hoa. Tại Việt Nam sử sách không nói rõ dân ta bắt đầu tổ chức Tết trung thu từ bao giờ. Chỉ biết rằng mấy trăm năm trước tổ tiên ta đã theo tục này. Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch các khu chợ đã trưng bày nhiều mặt hàng mang màu sắc Trung thu như lồng đèn, bánh nướng, bánh dẻo. Người mua với người xem đông như hội. Ngoài các loại đồ chơi, đồ trang trí, bánh kẹo còn trưng bày nhiều loại mặt nạ, đầu lân sư tử. Ở Việt Nam, ngày tết Trung Thu được ông Phan Kế Bính diễn tả trong "VN Phong tục": "ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Ðầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu các sắc, sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp".
- 15:31:59 01/10/2020
Mạng xã hội